Bệnh nhân ung thư miệt mài làm từ thiện | Sống đẹp

Hơn 30 năm qua, ông Giao và gia đình đã giúp hàng ngàn hoàn cảnh khốn khó thuộc nhiều tỉnh, thành. Ông giúp các chuyến xe chở bệnh nhân nặng về quê, giúp mai táng miễn phí cho những người vô gia cư. Ông hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, cất nhà tình thương, tặng quà tết, giúp phương tiện làm ăn, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cứu trợ gạo và nhu yếu phẩm cho những lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19…

Còn sức thì còn giúp đời

Đầu năm 2020, sau một đêm ngủ dậy, ông Nguyễn Văn Giao bỗng ho dữ dội. Các xét nghiệm cho thấy ông bị ung thư phổi giai đoạn 3A. Ông Giao đã lần lượt trải qua 4 toa hóa trị và 25 tia xạ trị. Hiện tại, ông tái khám theo định kỳ.




Mời bạn đọc gửi bài tham gia cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức với tổng giải thưởng 260 triệu đồng

Câu chuyện phản ánh trong bài dự thi phải là người thật, việc thật. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng để cho cuộc sống ngày một tốt hơn, góp phần lan tỏa những câu chuyện đầy tính nhân văn (nhận bài từ ngày 26.3 đến hết 31.7.2021)

Thể loại: ký sự, phóng sự hoặc ghi chép.

Giải thưởng dành cho tác giả có bài viết dự thi:

1 giải nhất: 30.000.000 đồng

2 giải nhì: Mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng.

3 giải ba: Mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.

5 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): Trị giá 5.000.000 đồng

5 nhân vật được vinh danh do Ban tổ chức và bạn đọc bình chọn: 30.000.000 đồng/trường hợp.

Bài dự thi gửi qua địa chỉ email chương trình: songdep@thanhnien.vn, Hoặc bằng thư qua đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên:

268 – 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (bì thư ghi rõ:

Bài viết tham dự cuộc thi viết Sống đẹp).

Trong quá trình hóa trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), ông Giao lắng nghe tâm sự của những bệnh nhân cùng phòng có hoàn cảnh éo le, bế tắc để kịp thời hỗ trợ họ. Trong đó, ông ủng hộ ông Lượm (H.Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) 6 triệu đồng để trị bệnh, động viên và giúp vợ chồng thầy giáo T. (H.Bình Chánh, TP.HCM) 9 triệu đồng…

Đến khi xạ trị tại Bệnh viện Quân y 175, ông Giao cũng không gián đoạn làm từ thiện. Có hôm vừa xạ trị xong, ông chạy về hỗ trợ khẩn cấp cho hai bệnh nhân (3 triệu đồng/người) tại hai bệnh viện. Hôm khác, cũng vừa xạ trị xong, trong người còn mệt mỏi khó chịu, ông Giao nhận cuộc điện thoại của người dân nhờ giúp đỡ người đàn ông nghèo khổ mới bị giật hết vé số. Từ bệnh viện, ông Giao nhờ đứa cháu chở thẳng đến đường Tam Bình, TP.Thủ Đức để trực tiếp gặp và hỗ trợ người bán vé số 2 triệu đồng…

Cách đây mấy tháng, chị Mai – một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối (ngụ H.Lấp Vò, Đồng Tháp) thổ lộ với ông Giao: “Nhà em dưới quê bị dột tứ tung. Em mong ước trước khi mình mất, căn nhà được sửa lại cho hai đứa con của em có chỗ ở tươm tất”. Ông Giao xúc động, giúp 30 triệu đồng và kêu gọi người quen chung tay xây ngôi nhà khang trang cho gia đình bệnh nhân này.

Cũng trong giai đoạn điều trị ung thư, ông Giao rất quan tâm thông tin dừng phát hành sổ xổ kiến thiết trong 15 ngày kể từ ngày 1.4.2020 để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ngay thời điểm ấy, ông Giao đã tặng 2,5 tấn gạo cho những người bán vé số. Từ đó đến nay, ông Giao tiếp tục hỗ trợ hơn 2 tấn gạo kèm đường, bột ngọt, nước tương… cho những lao động nghèo bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Giao cho hay: “Những lúc nằm viện, nhận cuộc điện thoại của ai nhờ giúp là tôi đi liền. Mà sao kỳ nha, nửa đêm nửa hôm đi giúp người ta, mình lại thấy khỏe”. Đề cập chuyện làm từ thiện bất chấp bệnh tật, ông Giao nói giản dị: “Người ta ăn thì còn, mình ăn thì hết. Còn ở đây là còn cái tình. Nên tôi khỏe cũng làm, bệnh cũng làm, còn sức thì còn giúp đời, chỉ khi nằm xuống mới thôi. Cái máu trong người mình nó vậy!”.

Ước nguyện làm nhà tang lễ miễn phí cho người nghèo

Ông Nguyễn Văn Giao luôn thể hiện tính cách hào sảng của người Sài Gòn. Từ thời trai trẻ vất vả kiếm sống bằng nghề nhổ lông vịt ở chợ Bà Chiểu, ông Giao đã giúp đỡ không ít mảnh đời nghèo khó.

Trải qua nhiều công việc mưu sinh, nhưng ông Giao không hề nghĩ rằng có ngày mình mở trại hòm. Tuy nhiên, rốt cuộc ông đã mở Cơ sở mai táng Vạn Phúc Đức ở Q.Bình Thạnh và lập xưởng đóng hòm ở Q.12. Ông từng giải thích: “Hồi đó, ai chết không có hòm mình đứng ra mua cho. Nhưng biết một số trại hòm chặt chém, mình không cam tâm nên mở trại hòm riêng luôn. Mình cũng kinh doanh, nhưng lấy phần lời từ những người khá giả san sẻ lại cho người khổ. Đôi khi không có tiền lời, mình lấy tiền túi ra cho”.

Ngày 4.5, bà V. (63 tuổi, từng bán vé số, mắc bệnh tim) qua đời trong một phòng trọ đường Nguyễn Văn Săng, Q.Tân Phú, TP.HCM. Nhận tin báo, ông Giao và con trai ông là Nguyễn Trọng Đức đã lo chu đáo và miễn phí mọi khoản, từ việc chuyển thi thể bà V. lên một ngôi chùa ở Q.11 làm tang lễ cho đến đưa đi hỏa táng, gửi cốt vào một ngôi chùa ở H.Hóc Môn theo ý nguyện gia đình. Ông Giao còn vận động nhóm Tâm Sen (Q.8, TP.HCM) quyên góp tiền cùng chiếc xe máy giúp ông Trần Văn Ngà (66 tuổi, chồng bà V.) chạy xe ôm kiếm sống.

Theo ông Giao, hầu hết chủ nhà không cho để người chết (vốn là người ở trọ) trong nhà họ. Mặt khác, có những chỗ ở quá chật hẹp, không thể đưa quan tài vô lọt. Vì vậy, những người xung quanh không biết đưa thi thể đi đâu. Ông Giao kể: “Có người chồng để xác vợ nó ngoài đường, gần khu công nghiệp Xuyên Á. Nó nói vợ nó chết ở bệnh viện, đưa về nhà trọ người ta không cho để. May mà tôi lên kịp, tôi thuê xe chở thi thể về lại nhà xác bệnh viện để liệm…”.

Trước tình cảnh như trên, ông Giao bày tỏ: “Ước nguyện sau cùng của tôi là muốn có miếng đất hoặc cái nhà nào đó để làm nhà tang lễ miễn phí trọn gói dành cho người nghèo. Họ là người vô gia cư, không nơi nương tựa hoặc ở trọ, khi chết không có nơi làm tang lễ. Trong khi đó, đưa đến những nhà tang lễ thường phải tốn mấy triệu đồng”.

Lòng tốt của ông Giao lan tỏa đến nhiều người thân, bạn bè. Bao năm nay, vợ con ông hết lòng ủng hộ những việc thiện của ông. Đặc biệt, con trai út là anh Nguyễn Trọng Đức (30 tuổi) kế nghiệp cha quản lý Cơ sở mai táng Vạn Phúc Đức và cũng nổi tiếng tận tâm giúp người. Ngay trong đêm sinh nhật năm nay của mình (20.4), lúc 22 giờ nhận cuộc gọi nhờ hỗ trợ đám tang cho một người nghèo ở Q.3, anh Đức liền chạy đến tận nơi lo liệu. Có những ca anh phải chạy đi lúc 1 – 2 giờ sáng…

“Ba dạy tụi em đối nhân xử thế bằng cái tâm. Chưa bao giờ em từ chối giúp đỡ một ca nào. Làm từ thiện nằm trong tiềm thức rồi, nên cứ làm hoài”, anh Đức bộc bạch.




Bệnh nhân ung thư miệt mài làm từ thiện - ảnh 1



Tham Khảo Thêm:  Thương trẻ mồ côi trong dịch COVID-19, nghệ sĩ góp tiền bảo trợ học hành, cuộc sống cho các em

Viết một bình luận