TPO – COVID -19 ảnh hưởng nặng nề mọi mặt của đời sống tại Bắc Giang nhưng cũng là ngọn lửa giúp phát hiện ra “vàng mười”, là những người dân đoàn kết, các công chức mẫn cán phòng chống dịch. Ngọn lửa ấy cũng làm lộ ra những cán bộ không xứng đáng với trọng tránh mình được giao phó, cần được thanh lọc.
Chủ tịch Lê Ánh Dương cho biết, dịch COVID-19 là biến cố lớn chưa từng có. Dịch đặt ra nhiều thử thách, lần đầu tiên người dân trong tỉnh thấy sức khỏe, sự an toàn của mình bị uy hiếp, đe dọa.
Dịch bệnh gây đình trệ sản xuất công nghiệp – lĩnh vực vốn là thế mạnh, là động lực phát triển kinh tế của Bắc Giang; làm chững lại đà đầu tư nước ngoài đang tăng trưởng tốt. Nó cũng rơi đúng vào mùa thu hoạch nông sản, là thời điểm được kỳ vọng nhất sau một năm chăm bón. Nó còn làm chững lại đà đầu tư nước ngoài đang tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, khi vượt qua biến cố này, Bắc Giang sẽ ở một vị thế mới vì có được các mô hình sản xuất đủ sức chống chọi các đợt dịch bệnh tiếp theo; trách nhiệm của người dân đối với vấn đề chung được nâng lên; uy tín, trách nhiệm, năng lực điều hành của bộ máy chính quyền được thử thách, rèn luyện, nâng thêm một tầm mới.
Trong dịch bệnh đã xuất hiện nhiều tấm gương tốt là người dân sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, là những cán bộ hằng ngày hằng giờ đương đầu với khó khăn. Ông đánh giá gì về họ?
Đợt dịch này là một dịp “lửa thử vàng” đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền cũng như sự đoàn kết của người dân. Nó còn là cuộc “thử lửa” đối với từng cán bộ. Thông qua phòng chống dịch đã bộc lộ ra nhiều cán bộ, công chức, viên chức tận tụy với công việc, dám hi sinh cái riêng vì lợi ích chung thậm chí rất dũng cảm và có nhiều người rất sáng tạo.
Bên cạnh đó, có một bộ phận nhỏ cán bộ qua dịch bệnh đã bộc lộ ra bản lĩnh chính trị của anh yếu; ý thức kỷ luật, khả năng dấn thân cống hiến của anh kém.
Đối với số đông là những cán bộ, công chức thậm chí chỉ là nhân viên bình thường, không chức vụ nhưng vẫn trách nhiệm, nhiệt huyết, không ngại khó khăn, gian khổ, chúng tôi rất trân trọng. Sau này khi tổng kết, chúng tôi sẽ khen thưởng biểu dương để ghi nhận công sức theo đúng đóng góp của từng người.
Với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, sau này chúng tôi phải xem xét và thực tế ngay trong quá trình chống dịch vừa rồi, đã có nhiều người bị phê bình, bị đình chỉ, xem xét kỷ luật… Tất cả cái đó tạo ra công bằng trong đánh giá, người đóng góp tích cực phải được biểu dương, tôn vinh; anh yếu kém qua cuộc này sẽ bị thanh lọc.
Đã có thời điểm chính quyền đưa ra phương án phong tỏa toàn tỉnh Bắc Giang. Ông có thể giải thích tại sao quyết định này không được thông qua?
Đấy mới chỉ là những gợi ý của một số người nhưng Bắc Giang luôn tự tin, chủ động kiểm soát được dịch bệnh nên không phải phong tỏa cả tỉnh. Thứ nhất, đánh giá tình hình diễn biến, dịch chỉ bùng phát ở trong khu công nghiệp và loang ra các khu trọ của công nhân không có khả năng lây rộng ra cộng đồng.
Thứ hai, chúng tôi chống dịch theo hướng đảm bảo đa mục tiêu. Nếu phong tỏa toàn tỉnh cũng ngang với việc khai tử vùng vải đang sắp thu hoạch. Bắc Giang không chỉ có vùng vải trị giá 7.000 tỷ, còn đó là 17 triệu con gà đến lứa phải bán, hơn 1 triệu con lợn không thể nuôi mãi trong chuồng; rồi dứa, dưa hấu, rau củ quả… Đặc biệt là vụ vải, nếu phong tỏa, chắc chắn 7.000 tỷ này sẽ cơ bản bị mất.
Lúc này, lại đòi hỏi bản lĩnh, đòi hỏi tự tin vào quyết định của mình. Cuối cùng, Bắc Giang vẫn chống được dịch, vẫn đảm bảo lợi ích cho người nông dân. Nếu chỉ đặt mục tiêu duy nhất là bằng mọi giá chống dịch, xem nhẹ các mục tiêu khác, có thể dịch chúng ta sẽ chống được nhanh hơn một chút nhưng hậu quả về kinh tế xã hội sẽ rất kéo dài, nhất là vấn đề an sinh xã hội.
Nếu cả một vùng sản xuất hàng hóa lớn như Bắc Giang bị ảnh hưởng, không phải trong vòng 1 năm mà mất rất nhiều năm mới phục hồi. Khi đó, niềm tin của người dân với Đảng, với chính quyền sẽ bị lung lay.
Như ông nói, Bắc Giang chủ động chống dịch nhưng ông từng ký văn bản đề nghị tỉnh Quảng Ninh giúp đỡ nhân lực. Ông có e ngại dư luận dân đánh giá khi phải nhờ “chi viện” như vậy?
Phải đặt lợi ích của cả tỉnh, của cuộc chiến chống dịch lên trên hết chứ không thể vì cái tôi cá nhân mình, tôi nghĩ vậy. Lúc đó, mục đích là làm thế nào để nhanh nhất có nguồn lực dập dịch. Nguồn lực ở đây chính là con người và kinh nghiệm của các địa phương đã trải qua các đợt dịch.
Đặc biệt là đoàn y bác sĩ từ Quảng Ninh có kinh nghiệm chống dịch ở huyện Đông Triều khi dịch từ Chí Linh (Hải Dương) lây sang. Tiếp nối là Hải Dương, Thái Nguyên, Yên Bái… đều cử y bác sĩ tình nguyện đến Bắc Giang.
Cho đến giờ, tôi vẫn thấy đó là quyết định đúng đắn, sáng suốt. Lực lượng chi viện là chủ công trong việc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Họ là những người thực sự thuần thục, bản lĩnh.
Khi ký quyết định để 4 khu công nghiệp lớn của tỉnh tạm dừng hoạt động, ông đã cân nhắc ra sao?
Để chuẩn bị cho quyết định này, chúng tôi phải nghĩ đến nhiều quyền lợi của nhà đầu tư, của người lao động; quyền lợi chung của cả tỉnh. Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng chúng tôi lấy tiêu chí đảm bảo an toàn cho các công nhân lên hàng đầu để thuyết phục các doanh nghiệp bởi công nhân là vốn quý nhất.
Ngay trong giới doanh nghiệp, một nhà đầu tư sản xuất linh kiện của tập đoàn Foxconn họp trực tuyến từ Hồng Kông đã đề nghị các doanh nghiệp đặt quyền lợi của mình xuống dưới, đặt mục tiêu chống dịch, ổn định tình hình kinh tế, chính trị của địa phương lên trên. Cuối cùng, đi đến sự đồng thuận chung!
Sau quyết định này lại phát sinh vấn đề khác, hàng vạn lao động ngoại tỉnh nếu về địa phương sẽ mang dịch đi khắp nơi. Giải quyết việc này, ngày 17/5, tỉnh ra lời kêu gọi các công nhân ở lại Bắc Giang, không về địa phương đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp giữ công nhân ở lại, hợp tác đi lấy mẫu xét nghiệm y tế… Đổi lại, tỉnh cam kết sẽ đảm bảo cuộc sống cho họ.
Chiều cùng ngày, chúng tôi họp với các doanh nghiệp; đêm hôm đó báo cáo Thủ tướng và khi được đồng ý đã công bố lệnh phong tỏa toàn huyện Việt Yên và 4 khu công nghiệp từ 0h ngày 18/5.
Bắc Giang tập trung nhiều khu công nghiệp với nhiều “ông lớn” trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi ra quyết định tạm dừng sản xuất, những nhà đầu tư này có phản ứng?
Khi họp với các doanh nghiệp, họ rất hoang mang. Có những ý kiến cho rằng cần đóng cửa khu công nghiệp ngay, có ý kiến phản đối vì cho rằng nếu đóng cửa họ sẽ mất đơn hàng, bị phạt tiến độ, mất lợi thế cạnh tranh…
Khi đó, tôi thuyết phục họ phải dừng sản xuất là để tập trung chống dịch, phải chữa cái “nóng” trước. Trong lúc đóng cửa, không để thời gian đó bỏ phí mà phải cùng nhau thiết kế một mô hình sản xuất mới có khả năng tồn tại, chống lại dịch bệnh.
Các nhà đầu tư đều đồng tình với phương án này, họ còn phát biểu với các hãng thông tấn trên thế giới bày tỏ sự đồng thuận với phương án chống dịch của Việt Nam, như Tập đoàn Foxconn ra thông cáo báo chí khẳng định ủng hộ cách làm của Bắc Giang.
Đáp lại sự đồng thuận của các doanh nghiệp, Bắc Giang đã thực hiện đúng cam kết với các nhà đầu tư, thành lập các tổ công tác phối hợp, hỗ trợ các họ điều chỉnh mô hình, khôi phục lại sản xuất.
Lẽ thường, trước những quyết sách của địa phương ảnh hưởng tới lợi ích, sản xuất của doanh nghiệp, họ sẽ có ý kiến ngay. Lần này, tất cả các quyết sách của tỉnh trong thời gian chống dịch vừa qua, 100% đều đồng thuận. Đây là điều chưa từng có, nhất là trong môi trường nhiều nhà đầu tư ở nhiều quốc tịch khác nhau; có văn hóa, cá tính khác nhau.
Thưa ông, Bắc Giang đặt mục tiêu 2 tuần tới sẽ cơ bản dập tắt dịch bệnh. Vậy, các phương án nào sẽ được áp dụng?
Đợt tổng tiến công dịch của Bắc Giang đặt thời hạn 14 ngày, sau 21/6 sẽ cơ bản khống chế xong dịch. Chúng tôi có quyết tâm rất cao đi kèm giải pháp cụ thể.
Dịch đã co cụm về huyện Việt Yên và ở đây, thôn Núi Hiểu được coi là “rốn dịch” với trên 1.000 ca nên đầu tiên, chúng tôi khóa chặt tại thôn để không lây nhiễm trong cộng đồng. Tiếp đến, sẽ di dời toàn bộ công nhân ra khỏi khu vực này đến các điểm cách ly tập trung, sau 2 tuần chúng ta sẽ không còn xuất hiện F0.
Với những thôn còn lại sẽ dùng phương pháp xét nghiệm quét đi quét lại 2 ngày một lần. Như vậy, cứ khoanh dần, từ thôn khoanh về từng ngõ, từng ngõ khoanh về từng nhà để đẩy dịch vào chân tường.
Trong các khu cách ly tập trung, giai đoạn trước, số lượng người quá lớn nên nguy cơ lây nhiễm chéo xảy ra nên giờ sẽ làm một cuộc sàng lọc phân loại trong khu vực này.
Tôi đã ký công điện với nội dung phân làm 3 nhóm cách ly tập trung, đối tượng có nguy cơ thấp cho phép bố trí 4 người/phòng; nguy cơ trung bình 3 người/phòng; nguy cơ cao chỉ 1 đến 2 người/phòng. Chiến lược ở đây là dàn mỏng người cách ly.
Chúng tôi sẽ thiết kế lại mô hình nhà trọ mới. Trước đây, một nhà trọ có rất nhiều công nhân ở các công ty khác nhau nên một nhà máy có ca nhiễm dễ lây sang nhà máy khác. Bây giờ sẽ sắp xếp lại toàn bộ, chủ nhà trọ sẽ ký với các công ty, từng nhà trọ sẽ thành ký túc xá của mỗi công ty. Ngoài ra, tỉnh đang đẩy nhanh tiêm phòng, cơ bản đã tiêm cho các công nhân và đang đề nghị Chính phủ cấp thêm vắc xin cho Bắc Giang.
Trân trọng cảm ơn ông!