Sau giờ nghỉ trưa cùng các bạn, Hoàng My mặc lại đồ bảo hộ để tiếp tục công việc tình nguyện – Ảnh: NGUYỄN Á
Ngày 21-6, tôi (Hoàng My) bắt đầu hành trình tình nguyện với việc hỗ trợ điều phối tiêm vắc xin, hướng dẫn người dân đăng ký phần mềm sổ sức khỏe điện tử và chăm sóc sau tiêm tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Kể từ đó, tôi đã gắn bó 7 ngày với hoạt động này. Tôi hỗ trợ tại Khu công nghiệp Hiệp Phước; hỗ trợ tuyến đầu lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 hoặc tiêm vắc xin cho hàng ngàn người dân tại các điểm: khu phố 8, phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân); chung cư Imperial Place (quận Bình Tân); nhà thi đấu Phú Thọ; chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân)…
Ngày làm muộn nhất, tôi về nhà lúc 1h30 sáng, người mệt rã rời, nhưng ngay hôm sau tôi vẫn thấy mình đủ năng lượng tiếp tục có mặt hỗ trợ ở một điểm khác. Cũng may tôi là người chơi thể thao nên đủ sức khỏe.
Hoàng My hướng dẫn người dân làm thủ tục, vào vị trí ở điểm tiêm vắc xin nhà thi đấu Phú Thọ – Ảnh: NGUYỄN Á
Ngay từ ngày đầu đi tình nguyện, tôi đã nghĩ mình chỉ là hạt cát trên sa mạc và bây giờ tôi vẫn nghĩ vậy. Công việc quá nhiều và cực nhọc. Các y, bác sĩ đã chiến đấu cả năm nay rồi. Các tình nguyện viên cũng có người gắn bó cả tháng nay rồi.
Có ngày, tôi nghe nói nhiệm vụ là phải lấy mẫu xét nghiệm cho 100.000 người, chia ra cho mỗi nhóm là 6.000 người. Khối lượng công việc lớn nên có bác sĩ đuối sức, phải lấy nước tăng lực ra uống.
Nước tăng lực chỉ có tác dụng tức thời, nhưng nếu uống quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe, nên khi thấy các bác sĩ quá đuối phải uống để làm việc, tôi thấy rất thương.
Hoàng My chụp ảnh kỷ niệm cùng các bác sĩ mà cô hỗ trợ – Ảnh: NVCC
Ngoài các bác sĩ, tôi gặp gỡ và chứng kiến hoàn cảnh của nhiều người dân trong dịp này. Tôi xúc động nhất khi hỗ trợ ở những khu dân cư có dịch, bị phong tỏa, trong số người dân có cả F1, F2 phải lấy mẫu xét nghiệm.
Hôm ở khu phố 8 phường Bình Hưng Hòa A, người dân phải đến xếp hàng chờ từ 14h30. Trời rất nắng. Các bác sĩ bị quá tải công việc ở điểm khác nên 17h mới tới. Người dân đuối sức, các tình nguyện viên rất xót và ra trấn an họ, nhưng có đến hàng ngàn người nên chúng tôi không thể trấn an hết được, có người phản ứng thái quá.
Lần ở khu phố 8 là trải nghiệm đáng nhớ nhất của tôi trong đợt tình nguyện này. Tôi rất thương khi thấy một người cha cõng con khuyết tật đi lấy mẫu, những người già yếu không đứng được lâu, những bé 10, 12 tuổi người đồng bào xếp hàng một mình.
Mấy em bé nhỏ xíu sau khi được lấy mẫu dịch mũi thì đau nên khóc òa lên, mẹ phải dỗ dành. Một chị mang thai khá lớn chở một bác lớn tuổi đến mà phải đi bộ rất xa, tôi nhìn mà xót xa quá.
Cô thân thiện bên người bán vé số đến lấy mẫu xét nghiệm – Ảnh: NVCC
Tiếp xúc với người dân vùng dịch và cả các “F” nên nhóm tình nguyện cũng rất cẩn thận phòng dịch. Lúc nào chúng tôi cũng mặc đồ bảo hộ, không ăn gì sau khi đã mặc đồ vào, hạn chế uống nước và không đi vệ sinh đến khi xong việc.
Khi mặc đồ bảo hộ hay khi cởi ra, tôi đều khử khuẩn toàn thân bằng bình xịt cồn, xịt cả lên tóc. Khi về nhà, tôi lập tức giặt quần áo bằng chế độ 90 độ C, sấy ở nhiệt độ cao.
Sau 7 ngày, da mặt, da tay tôi bắt đầu khô, sần như da chết, sờ như có cát trên mặt. Từ hôm hỗ trợ tuyến đầu, tôi nhắn mẹ phải giữ khoảng cách, không cho mấy đứa nhỏ trong gia đình qua nhà tôi chơi nữa. Mà đó là tôi chỉ góp một phần công sức nhỏ, nên chúng ta có thể hình dung lực lượng tuyến đầu đã vất vả, hy sinh cuộc sống riêng như thế nào.
Khi đã bước chân ra ngoài để đồng hành cùng tuyến đầu, tôi chứng kiến những mặt khắc nghiệt của dịch bệnh mà đôi khi, nếu chỉ ở nhà đọc báo, chúng ta khó hình dung được. Nhóm tình nguyện viên cũng không phải những người được đào tạo chuyên môn nên cần tôn trọng, hợp tác và lắng nghe nhau khi làm việc.
Một suất ăn ở điểm lấy mẫu xét nghiệm do người dân ủng hộ tuyến đầu và nhóm tình nguyện – Ảnh: NVCC
Hôm 26-6, tôi được tiêm vắc xin rồi lên cơn sốt nên phải nghỉ ngơi tại nhà. Thấy con gái thèm cháo bò bằm tía tô, mẹ tôi lật đật đi chợ, nấu mang qua cho tôi nhưng chỉ được gặp gỡ ngắn ngủi, hai mẹ con không được lại gần nhau và phải đeo khẩu trang. Những ngày này, tôi nhớ mẹ vô cùng.
Sau khi đỡ sốt, tôi sẽ tiếp tục đi tình nguyện hỗ trợ tuyến đầu. Trong những ngày tới, công việc vẫn còn dồn dập. Tôi cũng rất vui mừng vì ngày càng có nhiều người tình nguyện hơn, giúp san sẻ phần nào gánh nặng, chứng tỏ những điều tích cực luôn có cách riêng để lan tỏa.
Đồ họa: NGỌC THÀNH